CHUYỆN KỂ VỀ NGƯỜI LÍNH TRƯỜNG SƠN TRONG NHỮNG NĂM CHIẾN TRANH CHỐNG MỸ
Cánh đồng quê của Thanh thật đẹp. Những buổi chiều mùa đông trên cánh đồng quê là đáng nhớ nhất với Thanh. Gió đông nhiều vô kể và cứ hun hút thổi nhưng chẳng có nghĩa gì với bọn trẻ làng Thanh bởi bọn trẻ đã trang bị cho mình mỗi đứa một ống bơ hay một nọn rơm âm ỉ lửa để sưởi và nhóm bếp. Đứa nào đứa ấy đen nhẻm nhưng mắt sáng như sao và hàm răng trắng bóng, chỉ mỗi cô bé Hoài là làn da trắng mịn như trứng gà bóc, đôi má lúc nào cũng ửng hồng như thoa phấn. Duy chỉ có đôi mắt đẹp như mắt đức mẹ thì luôn buồn thăm thẳm mỗi khi nhìn xa xăm. Còn bé Mơ là em họ của Hoài luôn mộng mơ là cô giáo thì bé tí tẹo nhưng rất xinh và thông minh, cứ lẽo đẽo theo bọn Thanh đi chăn thả nhưng lại hay khóc nhè vì sợ bọ róm và đỉa. Điều đặc biệt là cô bé tí tẹo ấy lại là người giữ cho bếp lửa của cả bọn lúc nào cũng cháy. Thanh được bọn trẻ gọi là anh cả vì lớn tuổi nhất. Hoài là em gần út và kém Thanh gần ba tuổi.
Anh Thanh ơi, chiều nay ăn món gì?
Chiều qua ăn cá rô, cá quả rồi, chiều nay ăn ốc loa nướng. Anh và Mơ đi kiếm củi, nhóm lửa còn tất cả theo “siêu ốc” Hoài xuống đồng kiếm ốc, ăn xong bọn mình sẽ đi đổ dế cho chúng chọi nhau, ai thua sẽ phải cõng em Hoài và bé Mơ qua chỗ lội lúc về.
Hải kém Thanh một tuổi hài hước nói: Chiều qua anh thua chọi gà cỏ phải cõng rồi, chiều nay anh khéo lại thua tiếp.
Không đen thế đâu, anh thua ba buổi rồi, không quá tam… mà!
Hoàng bằng tuổi Hải lên tiếng:
Nhưng cái Hoài nó chỉ thích mỗi anh cõng thôi. Bọn em mà thắng thì mắt nó như cười. Em và thằng Hải thua thì mắt nó buồn như dòng sông trưa mùa đông ấy!
Đấy cứ nhắc đến anh là nó lại mủm mỉm kìa, chắc nó đang cầu chúa cho anh thua đấy.
Hoài đỏ ửng mặt.
Tuổi thơ của Thanh và lũ bạn cứ như vậy, hết mùa đông này sang mùa đông khác đẹp như cổ tích. Họ cùng lớn lên bên nhau. Có lẽ, những đêm mùa hè trăng vàng trên cánh đồng quê vẫn vui hơn cả. Những trận chiến phóc tràng vang trời, những trận đánh trận giả ầm ĩ, những lần đuổi bắt đom đóm hụt hơi, bao nhiêu rơm rạ rối bời đường quê. Rồi đêm muộn, Hoài sợ ma không dám về một mình, Thanh đưa Hoài về mà lòng cứ lâng lâng, cứ thích con đường dài ra. Đưa về đến tận cổng mà cứ nấn ná mãi chẳng muốn về. Có lẽ Hoài cũng vậy, học lớp 8 mà phổng phao như cô gái mười sáu, mười bảy, Hoài rất kín đáo và tế nhị nhưng nhìn vào ánh mắt Hoài, Thanh hiểu Hoài có một tình cảm đặc biệt dành cho mình. Còn Thanh thì ra dáng một chàng trai lắm, mấy lần đưa về ngang cánh đồng quê, Thanh định nắm tay Hoài để nói cho Hoài biết tình cảm của mình nhưng lại thấy rất run và sợ. Rồi cơ hội cũng đã đến, đêm ấy là cái đêm rằm mùa hạ năm 1971, trăng rười rượi như dát vàng, dát bạc xuống cánh đồng lúa chín. Đêm nay Thanh hẹn Hoài ra cánh đồng làng để tỏ tình, ngày mai Thanh sẽ nhập ngũ, lên đường vào Nam đánh Mỹ.
Hoài đêm nay đẹp như một nàng tiên. Thanh nhìn Hoài mà trái tim như muốn nhảy tung khỏi lồng ngực, anh định lao tới bế thốc Hoài lên và hét thật to lên rằng “Thanh yêu Hoài nhiều lắm, yêu từ lâu lắm rồi” nhưng anh trấn tĩnh lại và giả vờ quay mặt đi nhìn xa xăm ra cánh đồng quê mà lòng cứ bồi hồi, tim đập thình thịch, tai lắng nghe từng bước chân Hoài đang tiến gần.
Anh Thanh, anh đợi em lâu chưa? anh có sốt ruột không?
Anh tưởng em sang nhà Hoàng chơi, quên anh rồi cơ?
Chiều em vừa sang nhà hai anh rồi, em chỉ mong các anh cùng đơn vị thôi. Mà ai dám quên anh cơ chứ.
Mai anh phải xa gia đình và… xa em rồi. Anh rất muốn ở lại nhưng miền Nam đang rất cần bọn anh. Mậu Thân 1968 mình thất bại lớn quá, hai người anh trai của anh không bao giờ trở về nữa, anh phải ra đi em ạ. Có thể anh cũng sẽ không trở về bởi bọn Mỹ đầu tư cho chiến tranh lớn lắm, bọn ngụy quyền được trang bị từ đầu đến chân và hăng tiết gà nữa, cứ đồng bào mình mà tha hồ bắn, giết. Hi vọng mình sẽ lật ngược được thế cờ, bởi mình có Đảng dẫn đường, có hậu phương, có nhân dân.
Anh đừng nói nữa, mỗi người dân mình sẽ là một chiến sĩ anh ạ, anh cũng đừng gở mồm, gở miệng, em hiểu chiến tranh không phải là trò chơi trận giả của bọn mình nhưng anh nhất định phải trở về. Học xong lớp mười em cũng xin ra trận, chúng mình sẽ gặp nhau ở Miền Nam, bọn anh đi trước, em và Mơ bước tiếp theo sau. Hì! trong những lần đánh trận giả quân mình luôn thắng mà anh.
Anh hi vọng là vậy.
Hoài này! Mai…, mai… anh phải xa em rồi!
Dạ, em…, em hiểu! (Hoài lí nhí đáp).
Thanh im lặng, Hoài cũng lặng im, cả hai cùng lúng túng nhìn ra cánh đồng quê. Trăng như sà xuống thấp, gió mơn man cánh đồng lúa, mơn man da thịt, hương lúa chín thoang thoảng thơm. Tiếng côn trùng cũng lặng im. Im lặng một lúc, Thanh tiến sát lại Hoài và anh run run lên tiếng:
Hoài!... Hoài này!
Dạ!...Thanh tiến sát Hoài hơn, mắt Thanh nhìn thẳng vào đôi mắt của Hoài, bàn tay của Thanh nắm chặt lấy bàn tay búp măng mềm mại của Hoài, tay Hoài như mềm ra, tiếng trái tim như đập mạnh hơn, hình như cơ thể Hoài cũng run lên, Thanh lấy hết can đảm nói với Hoài, giọng anh vô cùng xúc động;
Mai anh ra trận rồi, người anh nhớ nhất là em, lúc nào anh cũng nghĩ về em, trong đầu anh luôn có hình bóng của em, mỗi bữa ăn, mỗi giấc ngủ anh đều hướng về em, mơ thấy em. Anh… anh… anh yêu em!
Hoài để yên bàn tay mình trong bàn tay nóng bỏng của Thanh, Hoài nhìn vào mắt Thanh và lắng nghe từng lời Thanh nói, đôi mắt Hoài nhòe lệ hạnh phúc, Hoài cũng cảm nhận được tình cảm của Thanh dành cho mình từ lâu lắm rồi, từ thuở chăn trâu cắt cỏ cơ. Nghe Thanh nói xong, cô cũng nhìn thẳng vào mắt Thanh, Hoài cảm động nói:
Em cũng yêu anh!
Nghe Hoài nói mà Thanh cảm thấy tim mình như muốn nhảy tung khỏi lồng ngực, Thanh ôm Hoài vào lòng. Đôi mắt Hoài nhìn Thanh đắm đuối rồi từ từ nhắm lại, đôi môi Thanh nhẹ nhàng chạm vào đôi môi Hoài, rồi những đợt sóng môi cứ dâng trào nồng nàn, đắm đuối, cả hai chưa bao giờ cảm thấy có những giây phút ngọt ngào, hạnh phúc đến vậy.
Con đường Trường Sơn mùa này mưa như trút nước, cộng thêm chiến dịch ném bom Commando Hunt(*) của Mỹ càng làm cho con đường Trường Sơn thêm lầy lội. Đơn vị thanh niên xung phong của Hoài gồm 12 chị em được cấp trên điều đến làm nhiệm vụ đóng dưới chân cao điểm trong một hang đá khá rộng. Trong một lần phá bom Hoài đã bị thương nhẹ, sau lần bị thương ấy cô được điều chuyển vào sâu trong rừng Trường Sơn để trông giữ kho nhiên liệu và lương thực cùng hai nữ thanh niên xung phong quê ở Vĩnh Phúc là Mận và Liên. Ba ngày sau, vào một buổi sớm, khi Hoài và hai người đồng đội của mình chuyển xếp nhiên liệu thì máy bay của địch bất ngờ ập tới. Ngay trong loạt bom oanh tạc đầu tiên thì Mận và Liên đã hi sinh, Hoài vội vàng chạy vào hang đá gần đó ẩn nấp, tiếp đó là là ba loạt bom như mưa trút xuống kho nhiên liệu, toàn bộ kho nhiên liệu nằm ở khu A bốc cháy ngùn ngụt. Sau khi máy bay địch bay đi, Hoài lên tìm xác của hai đồng đội. Cô vô cùng đau đớn xót xa, đôi mắt ầng ậc nước đem chôn cất Mận và Liên, cô cẩn thận khắc tên, đánh dấu vị trí mộ hai đồng đội của mình, rồi cô lủi thủi về hang đá sống một mình để giữ kho lương thực sắp hết ở khu B, cô cầu mong mau kết thúc chiến tranh, mau giải phóng miền Nam, cầu mong cho Thanh bình yên trở về…
Thanh, Hải và Hoàng cùng được biên chế vào Trung đoàn 316. Đầu năm 1972, một bộ phận nhỏ trung đoàn của Thanh đã được tăng cường cho chiến trường Quảng Trị. Trong một trận đánh lớn với Mỹ, Ngụy, Hoàng và Hải đã bị lạc đơn vị, hai anh lang thang trong rừng và bất chợt gặp Hoài đang tắm dưới suối. Cả hai đều sững người tưởng tiên sa trần thế, họ cùng như thầm thốt lên: sao lại có người đẹp đến như vậy, mà sao quen thế, Hoàng vô tình đánh rơi chiếc bi đông làm Hoài giật mình, cô vội vàng chạy lên bờ vơ vội quần áo rồi lao nhanh về hang lấy súng để chiến đấu. Khi Hoài lên đạn thì cũng là lúc Hải cất tiếng gọi to:
Có phải Hoài không, Hoài ơi, Hoài này, bọn anh là Hải và Hoàng cùng làng em đây, em đừng nổ súng, bọn anh bị lạc đơn vị đến đây, vô tình thấy em chứ không cố ý đâu.
Nghe tiếng nói quen thuộc và nhận ra hai người cùng làng của mình, Hoài buông súng chạy như tên về phía Hoàng và Hải, cô ôm chầm lấy hai người, đôi mắt nhòa lệ vì hạnh phúc.
Chiều hôm ấy, khi ba người đang hái rau chuẩn bị bữa tối thì máy bay kẻ thù lại ập tới. Một loạt bom, hai loạt bom. Hải đẩy Hoài vào hang đá rồi quay lại cứu Hoàng đang bị đất vùi, khi vừa kéo được Hoàng lên thì một loạt bom tiếp theo ném xuống. Hải lại đẩy Hoàng ngã sấp và anh nằm đè lên trên bạn. Hải đã hi sinh.
Hải được Hoài và Hoàng đem chôn cất ngay sát mộ của Mận và Liên, vừa lấp xong ngôi mộ thì máy bay kẻ thù lại ập tới. Hoàng kéo tay Hoài chạy thục mạng để tránh làn bom của kẻ thù. Một loạt, hai loạt, ba loạt. Hoài chới với vấp ngã, Hoàng nhanh như cắt lao theo Hoài và nằm đè lên cô để nhận lấy luồng bom thay Hoài. Máy bay xa dần, không ai chết, bốn mắt nhìn nhau, Hoàng hết nhìn khuôn mặt đầm đìa nước mắt của Hoài rồi lại nhìn xuống phía dưới cổ, một mảng áo to của Hoài bị rách để lộ bộ ngực trần đẹp như thần vệ nữ. Không thể kìm nén được trước vẻ đẹp của Hoài và cơn khát trong lòng mình đang dâng trào, Hoàng đã ghì chặt lấy Hoài, anh hôn như mưa như gió lên khuôn mặt của Hoài, anh lần tay nhanh xuống phía dưới… Hoài yếu ớt chống cự: Đừng anh! em đã yêu Thanh rồi. Không, anh cũng yêu em từ hồi ở nhà cơ. Thanh hi sinh rồi…
Sau lần ấy Hoài đã mang thai, hai tháng sau thì Hoàng đã gặp phải trận sốt rét ác tính, Hoài đã tìm mọi cách chăm sóc nhưng anh vẫn không qua khỏi. Một mình với cái bụng ngày một to trong rừng Hoài cố gắng để tồn tại. Chín tháng mười ngày thì có tiếng khóc của con trẻ vang lên. Hoài ôm con, mẹ khóc, con khóc, gió rừng ào ạt thổi. Hai năm trời sống trong rừng, mẹ con Hoài đã cạn kiệt lương thực mà vẫn không thấy có đơn vị nào tìm đến kho, cũng không biết đã giải phóng miền Nam chưa, Hoài quyết định vượt rừng trở về dù không xác định được phương hướng, cô cứ đi theo cảm tính, đến ngày thứ ba thì cô kiệt sức và nằm bất tỉnh.
Khi Hoài tỉnh dậy thì cô lơ mơ nhận ra mình đang nằm trong một ngôi nhà của người Lào. Mẹ con cô được gia đình ông bà Saravane cưu mang, chăm sóc một thời gian dài mới dần dần hồi sức.
Là một trong số rất ít người còn sống sau 81 ngày đêm ở trận thành cổ Quảng Trị Thanh lại cùng đơn vị tham gia chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trước mỗi trận đánh anh đều có một thói quen là lấy ảnh của Hoài để ở túi ngực trái ra ngắm nghía và thầm thì trò chuyện, rất nhiều lần anh muốn xin phép đơn vị để đến đơn vị của Hoài nhưng vì tình hình chiến trận rất gấp, liên tục thay đổi nên anh không thể, biết bao bức thư anh viết cho Hoài mà chờ mãi không có hồi âm. Bức ảnh Hoài anh mang theo là tình yêu, là niềm tin, là sức mạnh, nhờ bức ảnh ấy mà Thanh đã vượt qua được tất cả những trận đánh khốc liệt nhất. Kết thúc chiến tranh, anh may mắn trở về. Chưa kịp về nhà mình anh đã rẽ vào nhà Hoài nhưng được biết Hoài vẫn chưa trở về. Gặp anh, bố mẹ Hoài đã khóc, anh rất buồn và đau xót, vừa thương mình lại vừa thương bố mẹ Hoài vì Hoài là đứa con gái duy nhất của gia đình.
Năm năm trôi qua mà Thanh vẫn chờ Hoài, hằng đêm Thanh lại ra cánh đồng làng để hồi tưởng về kỉ niệm tình yêu giữa hai người. Thiên nhiên vẫn vậy, trăng vẫn vàng rười rượi, gió vẫn vi vút thổi, tiếng côn trùng vẫn rả rích kêu, chỉ có Thanh trầm ngâm suy tư, mái đầu anh đã điểm bạc, khói thuốc lá cứ đều đều bay lên. Đêm nay cũng vậy, Thanh lại ra cánh đồng, anh lại lấy ảnh của Hoài từ túi ngực trái ra trò chuyện, hình như anh khóc. Đang mê mải nhớ về quá khứ thì có một bàn tay dịu dàng đặt lên vai anh. Anh thảng thốt quay lại thì nhận ra cô giáo Mơ - người em họ của Hoài năm xưa, Thanh lúng túng lên tiếng:
Khuya rồi, em không ngủ còn ra đây làm gì?
Mơ không trả lời mà im lặng một lúc lâu rồi cô mới lên tiếng:
Em có thể thay thế được chị Hoài trong lòng anh hay không?
Thanh sửng sốt thốt lên: Em…
Mơ trở thành vợ Thanh đã năm năm. Hai người sống rất hạnh phúc nhưng vẫn thiếu tiếng khóc trẻ thơ. Thanh và Mơ đã nhiều lần đến bệnh viện nhưng bác sĩ kết luận là Thanh không thể có con vì anh bị nhiễm chất độc màu da cam. Hai lần Mơ sinh nhưng hai lần Thanh không có thể được hạnh phúc của người cha. Thanh rất đau khổ, tuyệt vọng nhưng Mơ luôn là người động viên, an ủi anh. Cả hai cùng bàn bạc, tính toán với dự định sẽ đến trại trẻ mồ côi xin con nuôi để cho ngôi nhà thêm ấm áp. Sớm hôm sau Thanh và Mơ đang chuẩn bị đi xin con nuôi thì nghe tin Hoài mang theo con trở về nhà với căn bệnh u phổi giai đoạn cuối. Hai người vội vàng sang bên nhà của Hoài, ngôi nhà đã quá cũ, mùi ẩm mốc bốc lên. Mơ kéo Thanh vào trong buồng thì thấy Hoài đang nằm trên giường, cô nặng nhọc thở. Bên cạnh là con gái và bà cô của Hoài. Nghe tiếng bước chân Hoài ngước mắt nhìn ra, nhìn thấy Thanh cô bật khóc không thành tiếng, nước mắt chảy giàn giụa trên khuôn mặt hốc hác. Thanh sững lại, anh không tin vào mắt mình, rồi anh từ từ tiến lại, Thanh nắm chặt lấy tay Hoài, Hoài nói trong tiếng nấc:
Anh hãy tha lỗi cho em, em có lỗi với anh nhiều lắm. Tại em, tại chiến tranh, tại… nên em không vẹn lời thề với anh được.
Nói đến đó, Hoài lại nấc lên và nắm chặt tay con gái, cô nặng nhọc nói tiếp:
Đây là Sơn Ca, con gái của em và Hoàng, anh đừng trách anh Hoàng, cả Hoàng và Hải vẫn nằm ở rừng Trường Sơn chưa về được, cuốn nhật kí của em để ở trong ba lô, anh lấy ra xem rồi anh, anh sẽ, sẽ… hiểu hết.
Chiều mùa đông trên cánh đồng quê Thanh gió hun hút thổi, sương khói chờn vờn. Đứng trước hàng mộ thẳng tắp, Thanh chia nén hương cháy cho Sơn Ca và Mơ đi cắm. Thanh cố gắng không khóc nhưng nước mắt cứ tràn ra. Anh hứa trước tâm linh của những người quá cố sẽ cùng Mơ nuôi Sơn Ca khôn lớn. Anh nhìn Sơn Ca đang lầm rầm khấn trước mộ mẹ và anh tin Sơn Ca sẽ trở thành một công dân có ích.
Commando Hunt(*): Chiến dịch Commando Hunt là một chiến dịch không kích của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam, nhằm vào đường mòn Hồ Chí Minh. Chiến dịch kéo dài trong 3 năm, từ tháng 11 năm 1968 đến tháng 3 năm 1972.
Ngô Đức Thuận, Phó chủ tịch Huyện hội Mê Linh