Đồng hành cùng Nạn nhân chất độc da cam vươn lên thoát nghèo
Thấu hiểu cho hoàn cảnh của những nạn nhân chất độc da cam là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Từ thực tiễn cuộc sống, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thanh Xuân đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả giúp được nhiều nạn nhân da cam vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống. Mô hình giúp nạn nhân da cam vượt khó, vươn lên thoát nghèo đã trở thành điểm sáng trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Anh Nguyễn Văn Hải ở thôn Trung Na xã Thanh Xuân là con của nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trước khi đến làm việc ở Gara ô tô Nguyên Hải do Hội nạn nhân chất độc da cam xã Thanh Xuân thành lập, anh Hải đi làm công nhân với mức thu nhập bấp bênh, không ổn định. Nay được làm việc tại gara ô tô thực sự là một cơ hội để anh gắn bó với nghề, có điều kiện về thời gian và kinh tế để chăm sóc cho gia đình bởi anh còn một người chị gái bị tật nguyền do di truyền từ cha bị nhiễm chất độc da cam, mọi sinh hoạt cá nhân và cuộc sống của chị đều phải có sự trợ giúp từ phía người thân trong gia đình. Anh Hải chia sẻ “Khi làm việc ở gara ô tô với mức lương 12 triệu đồng/tháng, tôi có điều kiện chăm lo cho gia đình nhiều hơn, bản thân tôi cũng như các anh em đang làm việc ở đây đều là con nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang phải gánh chịu những nỗi đau do chiến tranh để lại, luôn phải sống chung với bệnh tật và những di chứng do chất độc da cam/dioxin gây ra. Chúng tôi mong muốn xã hội luôn có sự chia sẻ, chung tay giúp đỡ để cuộc sống của các nạn nhân da cam/dioxin bớt phần vất vả”.
Anh Hải là một trong số rất nhiều người con của nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thanh Xuân tìm được công ăn việc làm ổn định để trang trải cuộc sống. Bởi ngoài gara ô tô, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thanh Xuân còn thành lập cơ sở sản xuất nhôm kính và HTX vận chuyển, sản xuất rau hữu cơ trên địa bàn để giải quyết việc làm cho hội viên là nạn nhân chất độc da cam và con, cháu của họ. Với mức thu nhập bình quân từ 5 -7 triệu đồng/tháng, những thợ tay nghề cao có thu nhập cao hơn từ 10 đến 12 triệu đồng/tháng. Với số tiền đó đã giúp họ vơi bớt khó khăn, cải thiện cuộc sống. Không chỉ giúp đỡ hội viên trong xã, Hội còn sẵn sàng giúp đỡ hội viên và con cháu hội viên các xã lân cận đến làm việc tại các cơ sở sản xuất để có công ăn việc làm ổn định.
Trong công tác giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội còn giúp cho 6 hội viên vay vốn từ nguồn quỹ hội để tăng gia sản xuất với tổng số tiền 120 triệu đồng. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà dịp lễ tết, khi hội viên ốm đau được Hội quan tâm thường xuyên. Trong giai đoạn dịch bệnh covid - 19 diễn biến phức tạp, Hội đã hỗ trợ 6 gia đình hội viên và 2 con nạn nhân da cam với tổng số tiền 16 triệu đồng để họ vượt qua khó khăn của đại dịch. Ông Phạm Xuân Lý- Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thanh Xuân cho hay:” Sau khi chúng tôi vận động và thấy được những khó khăn của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, rất nhiều người đã tự nguyện viết đơn xin được tham gia tổ chức hội, trong đó có hội viên cựu thanh niên xung phong, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… Đến nay sau 5 năm thành lập và đi vào hoạt động, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thanh Xuân có gần 60 hội viên tự nguyện, đây là lực lượng quan trọng góp phần làm cho công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn đạt hiệu quả hơn”.
Nhờ có những hoạt động quan tâm trợ giúp cả về vật chất và tinh thần, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thanh Xuân đã và đang giúp cho những mảnh đời bất hạnh vì nỗi đau da cam vơi bớt khó khăn, giúp họ có niềm tin vào cuộc sống. Đây thực sự là một điểm sáng trong công tác trợ giúp nạn nhân da cam trên địa bàn huyện, nhiều năm liên tục được các cấp biểu dương khen thưởng. Trong đó có 1 giấy khen của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, 3 giấy khen của Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Hà Nội. Ông Nguyễn Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Sóc Sơn đánh giá: Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thanh Xuân là một điểm sáng trong công tác phát triển hội viên cũng như giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế. Với cách làm sáng tạo, các đồng chí cán bộ Hội không những làm tốt công tác chăm sóc hội viên của mình mà còn giúp đỡ các đơn vị bạn giải quyết việc làm cho con em nạn nhân. Từ mô hình hoạt động của Thanh Xuân, chúng tôi sẽ nhân rộng ra các xã khác làm sao để các nạn nhân da cam trên toàn huyện Sóc Sơn được chăm sóc tốt hơn, để họ giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.
Mặc dù phía trước còn rất nhiều khó khăn, song chính nhờ những vòng tay nhân ái của hội nạn nạn nhân chất độc da cam, của toàn xã hội thì các nạn nhân và con cháu của họ sẽ có niềm tin, chỗ dựa tinh thần vững chắc để vượt qua nỗi đau, hoà nhập với cộng đồng.
Nguyễn Yên
Trung tâm Văn hoá và TT huyện Sóc Sơn